Triển vọng dự án bùn đỏ bô xít làm gạch không nung

0
1621

Dự án xây dựng nhà máy gạch không nung từ nguồn thải bùn đỏ của Nhà máy alumin Tân Rai (Lâm Đồng) do Cty CP Lộc Châu làm chủ đầu tư nhận được sử ủng hộ của nhiều đơn vị. Dự án đang được trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Tận dụng tốt nguồn tài nguyên

Để có được 1 tấn alumin bằng công nghệ Bayer, Nhà máy Alumin Tân Rai (Lâm Đồng) thải ra khoảng 1.049kg/tấn bùn đỏ khô và kèm theo 1.200kg/tấn dung dịch. Với công suất 650.000 tấn alumin/năm. Mỗi năm nhà máy thải ra 680.000 tấn bùn đỏ khô và 790.000 tấn dung dịch. Bùn đỏ ở nhà máy này thải ra được lưu giữ tại hồ và quản lý theo tiêu chuẩn chất thải nguy hại.

Với ý tưởng tận dụng chất thải bùn đỏ vào sản xuất vật liệu xây dựng, nhóm chuyên gia Khoa VLXD trường Đại học Bách khoa TP HCM đã nghiên cứu thành công công nghệ Geopolymer để sản xuất vật liệu không nung từ bùn đỏ và tro bay. Trước sự khả quan của dự án này, vào tháng 8/2015, công ty Lộc Châu đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất gạch không nung tận dụng nguồn thải là bùn đỏ bô xít và tro, xỉ.

Nếu dự án này thành công sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề trong đó có việc tái sử dụng bùn đỏ thải ra từ Nhà máy alumin Tân Rai, qua đó góp phần vào việc bảo vệ môi trường. Đặc biệt ldự án sẽ cung cấp ra thị trường sản phẩm gạch không nung thân thiện môi trường, giá cạnh tranh, tạo cơ hội việc làm cho nhiều công nhân, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh Lâm Đồng.

>> Tìm hiểu về lợi ích gạch không nung.

Dự án sẽ giải quyết nhiều vấn đề tồn tại hiện nay

Nhà máy sản xuất gạch không nung từ bùn đỏ sẽ được đặt tại thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, tổng diện tích của nhà máy này là 22,5ha. Tổng mức đầu tư dự án hơn 50 triệu USD, trong đó, vốn tự có 30% và vốn vay các tổ chức tín dụng 70%. Được thiết kế với quy mô hoạt động 1 tỷ viên gạch/năm. Dự kiến 10-30% sản lượng gạch tiêu thụ tại địa phương, còn lại tiêu thụ tại các tỉnh và thành phố khác. Tiến độ thực hiện dự án 1 năm, tính từ thời điểm hoàn tất thủ tục đầu tư. Đây có thể sẽ là dự án đầu tiên sản xuất gạch theo công nghệ Geopolymer.

Chủ đầu tư cũng không ngại bày tỏ quan điểm của mình rằng nếu được hỗ trợ phí xử lý môi trường từ chủ nguồn chất thải thì hiệu quả kinh tế của dự án đảm bảo tính khả thi và có thể thực hiện được với thời gian hoàn vốn sau 5 năm 11 tháng.

Về mặt môi trường, dự án sẽ góp phần vào giải quyết được các vấn đề về xử lý chất thải rắn (bùn đỏ, tro, xỉ thải) từ các nhà máy alumin và nhiệt điện; và đây là giải pháp giúp giải quyết triệt để vấn đề chất thải. Qua đó giúp giảm diện tích sử dụng đất và chi phí lưu giữ, xử lý bùn đỏ.

Về mặt xã hội tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, góp phần giảm nghèo cho tỉnh, đóng góp ngân sách cho quốc gia.

Gạch không nung – hướng đi đúng

Ước tính mỗi năm Việt Nam tiêu thụ từ 20 – 22 tỷ viên gạch, đến năm 2020, số lượng này sẽ tăng gấp đôi. Để có số lượng gạch này, cần một lượng đất khoảng 600 triệu m3, tương đương 30.000ha đất canh tác. Với lượng gạch nói trên còn mất khoảng 6 triệu tấn than, thải ra môi trường khoảng 17 triệu m3 khí CO2, gây hiệu ứng khí nhà kính. Vì vậy, hướng đi phát triển vật liệu xây dựng không nung là sự lựa chọn đúng đắn. Vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa lợi ích về môi trường.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here